Saturday, March 29, 2014

Cầu Lòn Quảng trị




Đường sắt Việt Nam                       Cầu Lòn Qung tr
Đường sắt Việt Nam           Quảng trị và Huế đều có Cầu Lòn, tiếng gọi chung và thân thương của dân địa phương, nó thể hiện từ sự kiện thực tế, đường bộ ở trên và cầu sắt ở dưới hoặc ngược lại, tuy có khác nhau vị trí của đường bộ Huế và Quảng trị, nhưng người ta vẩn gọi là Cầu Lòn. Cầu Lòn ở Huế gần cầu Bạch Hổ, đường bộ trải nhựa ở dưới, đường sắt ở trên, người dân từ Kìm Long, Long Thọ phải đi qua đường này. Trái lại ở Quảng trị cũng có một cái Cầu Lòn nằm tại La vang Trung đoàn,nhưng thuộc Thôn Long Hưng , Xã Hải Thượng, Quận Mai Lĩnh, đường xe lửa chạy ở dưới, đường bộ ở trên với hình vòng cung, nối giao thông từ Thánh Đường La Vang về đến Thị Xã Quảng trị, băng qua ngã tư Quốc Lộ 1 từ Nam ra Bắc và từ Bắc vào Nam.
Tôi ra sống ở đây với gia đình từ năm 1961, học trường Tiểu học Tiến Đức, nhà tôi ở cuối xóm, dọc theo đường rầy,gần một khe nhỏ, bên cạnh là nhà chị Thu Vang, vợ của anh Trần Đình Thái, trong khuôn viên nhà chị Thu Vang, còn có gia đình chị Lý, Sự từ Gio Linh vào,phía sau có nhà bạn , tên là Động, giờ không biết ở đâu, đối diện phía bên kia đường rầy là nhà Ông Chít, làm nghề Y tá, Ông có một người con gái tên Nhung, học trường Bồ Đề nổi tiếng là hoa khôi thời đó. Nếu các anh là lính Trung Đoàn 1, Công Binh, Pháo Binh, Thiết Giáp đồn trú quanh vùng đó đều biết Cầu Lòn là tụ điểm cờ bạc trong những ngày gần Tết và sau Tết, đó là trò chơi Bầu, Cua,Cá, Tôm bày dọc đường rầy, có một năm, Lộc chỉ có 1 đồng bạc, chơi bầu cua ăn được 500 đồng, nhưng sau đó đánh cũng thua hết, trong dịp này tôi thường thấy ông già, hình như ông ở vùng Thach Hãn, chạy chiếc xe đạp, có một giỏ đựng đâỳ thuốc lá và vài xấp vé số kiến thiết, ông thường rao to “ Ai mua thuốc lá Quân bọp bụ, vé tức cười không”.Một món trò chơi khác, có vẻ ăn thua đỏ đen hơn, đó là món xóc dĩa, bên chẳn, bên lẻ, nhiều người tàn gia bại sản về món ăn chơi này,như hai câu thơ ở dưới:
Cờ bạc là bác thằng bần
Cửa nhà bán hết đem thân vào tù.
   Nhà ông Ích là tụ điểm lớn nhất, có máu mặt ở Cầu Lòn,gây sòng to, lo ăn uống và lấy xâu, Xâu là nguồn lợi rất lớn nên nhiều người thích tổ chức, nhưng cũng có sự nguy hiểm của nó, dẫn đến chết người như trường hợp nhà ông Đô, nhà gần giếng phía sau nhà tôi khoảng 30 mét, ông có hai đứa con trai tên là Đô và Cóc, đã chứa cờ bạc, trong lúc đang sát phạt ăn thua, bỗng dưng có môt toán lính khác dùng lựu đạn đã mở chốt, lùa hềt tiền trên chiếu , không biết lý do gì,lựu đạn đã n,cả gia đ ình đều chết hết. Hầu hết những tay chơi đều là lính, đôc thân xa nhà, sau những lần nghĩ dưỡng sức, không hành quân, họ thường la cà các quán nhậu hoặc vô sòng bài bạc này,cuộc sống của họ chẳng biết chết khi nào, một viên đạn vô tình nào đó sẽ đưa mạng sống của họ xa lìa thế gian, bởi vậy họ tìm nguồn vui nhất thời, cần có tiền ngay để tiêu xài, thật thế những người lính mang dòng máu đỏ đen này, đâu biết tương lai, đâu biết ngày mai, ngày mai đi về đâu họ đâu cần biết và chỉ biết hôm nay.
  Từ Thạch Hản hướng về Thánh Địa La Vang, đi qua ngã tư Quốc Lộ 1, qua khỏi nghĩa đia khoảng nửa cây số, đây là chổ bắt đầu lên dốc, bên phải là đất nghĩa địa, được dời đi chỗ khác, để lấy đất đắp làm bờ dốc tạo thành môt con đường mới, tráng nhựa với độ dốc khoảng 10-15 độ tính từ chân tới cầu ,hai mố cầu bằng bê tông cốt thép được lắp đặt song song với đường rầy, trên hai mố cầu này đươc đặt lên những dầm bê tông cốt thép,và được phủ bởi nhựa đường và bê tông, hai lan can cũng được đúc bằng những côt bê tông nhỏ để giữ an toàn cho người đi bộ cũng như người lái xe khi đi qua cầu này , xin xem hình ở dưới:
  
   Vùng đất để lấy đất đắp, tạo nên một cái hồ lớn, một góc hồ được Ông Nghêu xây lên một cái nhà sàn, giống như một nhà thủy tạ, dưới nuôi heo suốt ngày kêu ục ịch. Thời đó, chính quyền bắt thanh niên phải gia nhập Nhân dân Tự vệ, tôi cũng dính, không đươc miễn, dù năm đó đang học lớp 11, chuẩn bị thi tú tài 1, khi làm lính bất đắc dĩ này,thỉnh thoảng tôi được phân công trực gác tại địa điểm này, một địa điểm đáng nhớ trong thời binh lữa thời bấy giờ, vào khoảng năm 68-69 và luôn luôn nhớ như bài thơ tôi sáng tác ở dưới.
  Nhớ Nhân Dân Tự Vệ
  Nhớ đồ đệ Xạ Nghêu
  Nhớ võng treo trên gác
  Nhìn xa xa man mác
  Đàn heo con ngũ dưới
  Súng grant trên gác
  Bảo vcái gì đây
  Hỏi trời, đất có biết
  Cảnh tình đời thế sự
  Xin hai chữ bình yên
  Thanh niên thời ly loạn
  Khủng hoảng với cảnh này!
Giờ xin các bạn định hướng để về Cầu Lòn,thực ra có hai hướng để về từ thị xã Quãng trị, một là chạy theo đường Trần Hưng Đạo vào hướng ga Quảng trị chạy dọc theo theo đường đất , song song với đường rầy, qua khỏi xóm nhà bên phải, có nhà Võ Quê, Thái Đào, đi một đoạn nữa, bên trái là nghĩa địa, bên phải là đường rầy, thì tới Cầu Lòn, chỉ có xe đạp, xe gắn máy và người đi bộ qua dưới gầm cầu, xe hơi không thể qua được,qua khỏi gầm cầu là nhà bà Thao phía bên trái, bên phải là nhà ông Xạ Nghêu và tới cuối cùng dọc đường rầy của xóm là nhà tôi.
 Nhà tôi đất khá rộng, chung quanh hàng rào trồng bằng cây dứa, có gai, đọt non có thể ăn được, lá có thể cắt ra làm chong chóng cho con nít chơi, rễ cắt ra làm bốn, phơi khô, có thể bện lại thành một dây gàu múc nước, hang dứa làm cho tránh trâu khỏi đi vào phía trong sân,tuy nhiên trâu cũng hay cạ lưng vào đây để đở ngứa,bên trong có ba bụi tre rất lớn, gia đình tôi thường lấy mụt măng, lột vỏ, cắt ra từng mảnh nhỏ, luột chín nhừ, vớt ra rồi dùng dầu phụng để xào với tỏi, nấm mối,ớt, dù không có thịt nhưng vẫn ngon đáo để,hoặc làm măng chua để nấu canh với cá đồng, món ăn thật là tuyệt, đối với gia đình tôi vào thời đó,môt cái sân đằng trước rộng, thường để gốc củ sắn, gốc này để lâu ngày gần mục, nấm mèo mọc lên từ đó, ngoài gốc sắn ra còn cóc gốc cây sim được đào bới từ rừng về, than đốt lò từ gốc cây sim rất là tốt và lâu tàn,có một lần có một con rắn học trò ở trong đống gốc đó bò ra, cậu Phước con bà Ngại đập chết,tự nhiên nhiều con rắn khác bò ra bu quanh con rắn chết đó, thật là một hiện tượng lạ lùng mà tôi chưa từng gặp,vì không thể có rắn nhiều trong cùng một lúc như vậy được, phải có một sự huyền bí nào đây, tôi đã liên tưởng như chuyện con rắn trong câu chuyện trả thù công thần Nguyễn Trãi, dưới thời vua Lê Lợi, bị tru di tam tộc, ảnh hưởng đến ba đời, bởi vậy tôi liền nói cậu Phước ra chắp tay cầu khấn về sự ngỗ nghịch của mình và xin tha thứ, môt lúc sau bầy rắn biến mất. Mỗi lần sau khi đi học về, tôi thường hay tụ tập bạn bè, trong đó có Phước, Lộc, Thọ em của chị Thu Vang, Động ở đằng sau, Tý ở bên kia đường rầy, và chị Khâm ở thuê trong nhà,quay quần bên một cái bàn sắt mỗi bề khoảng 60 cm,bày bộ bài Tây tú lơ khơ ( Playing Card) để chơi Xì dách, Xì tố, dù một ván một đồng hoặc chỉ tố đến 5 đồng là tối đa, nếu xui chơi cả buổi cũng mất vài chục, hâu quả của nó còn mang lại dư âm đến bây giờ là vết sẹo trên má tôi, có một lần khi chơi bài với Đô, Cóc, Yến. Đô bấm bài làm dấu trên góc của con Xì Ếch,tôi phát hiện được, rồi gây gổ nhau, Đô lấy cái gào nước có dây quay vào mặt tôi,làm sưng mấy ngày mới hết, lúc đó tôi tức quá tôi chạy ra đường rầy lượm cục đá,ném trở lại vào đứa em của Đô, Cóc bị viên đá trúng vào miệng phải chạy về nhà, về sau với thương tích hai bên đều có,bị qua bị lại nên cũng huề .Nhớ lại thời đó với đam mê cờ bạc đã qua đi, môt kỹ niệm khó phai mờ trong ký ức dù tuổi đời đã chông chất.
  Nhà tôi gần bên một cái lạch, có một khoãng đất rộng nằm sát đường rầy và có con đường dốc nhỏ, có một lần Ông Phiến, nhà ông ở trên xóm cát, sát bên hông Trung Đoàn 1, ông có một chiếc xe xích lô, thường chạy ở thị xã Quãng Trị, có một buổi trưa ông đậu xe ở bãi đất trống bên cạnh nhà tôi, vì cái cầu nhỏ không thể mang chiếc xích lô về nhà,tình cờ chiếc xích lô lao xung hố nước sát cạnh nhà tôi, bởi vì gió hay bởi một gả nghịch ngợm nào đó. Đặc biệt ở Cầu Lòn, mỗi nhà đều có hầm trú ẩn, để tránh pháo kích, hầm được được đào sâu dưới lòng đất, to nhỏ tùy theo chủ nhà, hầm có thể làm trong nhà hoặc ngoài vườn, trên hầm được gác ngang bởi những tà vẹt đường rầy,bên trên lót ván hay tôn, sau đó chất bao cát lên trên và xung quanh, chỉ chừa một lỗ làm bậc thang đi xuống, mỗi lần nghe còi hú trong đồng là lật đật bò xuống hầm, khoảng nửa tiếng hoặc một tiếng, không nghe súng nỗ lại bò lên. Sống trong vùng lữa đạn lúc nào cũng hồi hộp, lo âu.sống đó, chết đó chẳng biết đằng nào mà mò, chỉ cầu ơn trên phò hộ và ban phước lành. Sau này, có gia đình anh Nguyễn quang Thơ và chị Năm cũng ở trong nhà, sau biến cố 72, mỗi người mỗi ngã,và sau gần 40 năm mới gặp lại ở Hội Ngộ Đồng Hương tại Boston, Massachusetts năm 2012
 Một hướng khác về Cầu Lòn, là từ Thị Xã qua ngã Quang Trung, tới ngã tư có trường Nguyễn Hoàng quẹo phải dọc theo đường Thạch Hản, một con đường có rất nhiều dân học sinh Nguyễn Hoàng trú ngụ, như Trần văn Hảo, Trần thị Sáo, Trần phong Dũng, Ngô Mậu Dũng, Bùi Truyền, Bùi Bá,Nguyễn Vang gần tiệm sửa xe đạp Công Tâm,bên cạnh có con hẻm đi vào nhà Lê thiện Thuyết. Sau khi qua khỏi ngã tư Quốc lộ 1, qua khỏi khu nghĩa địa thì đến chân dốc đường lên cầu, muốn vào xóm Cầu Lòn phải rẽ trái, tại chỗ mép đường có nhà bạn tên là Ruộng học Trung Học Bồ Đề, có sáu ngón, trước mặt nhà Ruộng có một cái giếng chung, trong xóm đó tôi cũng có vài người bạn, như là Hoa con bà bán chè, đặc sản chè của bà, có món chè đậu ván đặc sền sệt, ngon hết chỗ chê, lúc nào cũng hết trước so với các món chè khác. Ngoài ra còn có Nguyễn Công Hiệu, một người bạn thân nhất, một giáo viên dạy Vạn Vật lớp 12 tại Đà Nẳng , nay đã nghĩ hưu, chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc từ khi vào học trường Nguyễn Hoàng cho đến bây giờ, thời đó tôi tưởng Hiệu được lọt vào mắt xanh của Lụa con bà Thao,môt người con gái đẹp thùy mỵ,có mái tóc dài che khuất bờ vai, người thon gầy cao ráo, dáng đi thướt tha khi mặc áo dài trắng, tung tăng bên đám bạn nữ sinh khác,hoặc đạp xe đạp chạy thường ngày qua con đường nhỏ hẹp.
 Bây giờ xóm nhỏ Cầu Lòn không còn nữa, đường rầy được tái dựng lại, sạch sẽ, có kỹ thuật để cho tàu lửa qua lại suốt ngày, hai bên đường không còn nhà san sát, không một tiệm tạp hóa, không một bóng người nào qua lại,thay vào đó những bụi chuối, những hàng cây lạ và một mái nhà của ai đó đươc dựng lên sau biến cố 75, cảnh củ người xưa đâu còn nữa, chỉ còn là kỹ niệm.
 Nguyễn Huế